-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

LUYỆN NGỦ CHO CON NGAY TỪ SƠ SINH CÓ THẬT SỰ CẦN THIẾT?
Đăng bởi LÂM NGỌC THÚY PHƯƠNG vào lúc 10/09/2020
Điều gì dẫn đến ý muốn luyện ngủ cho con của cha mẹ?
Như mọi người đều biết, việc sinh con là một vấn đề không đơn giản. Nuôi dạy một đứa trẻ lại càng là điều khó khăn. Nhất là đối với những gia đình lần đầu làm cha mẹ, ông bà.
Một đứa trẻ ra đời dù ít hay dù nhiều thì đều sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt, nhịp sống của gia đình, bố mẹ em bé. Chính vì vậy, hầu hết bố mẹ đều có cảm giác mệt mỏi, mất sức, thiếu ngủ, lo lắng… Bởi cuộc sống của bố mẹ không chỉ chăm sóc bản thân mình nữa mà còn phải chăm sóc cho giấc ngủ, miếng ăn… của một sinh linh bé bỏng. Ngoài ra, bố mẹ phải tập làm quen với con, từng bước hình thành nên nếp sinh hoạt của con để phù hợp với gia đình. Hoặc khó khăn hơn, bố mẹ sẽ phải thay đổi nếp sinh hoạt từ bao nhiêu năm nay của gia đình theo con mình.
Trong số những thay đổi về nếp sinh hoạt sau khi sinh con, sự thay đổi, rối loạn về giờ giấc ngủ có lẽ là điều được đa số bố mẹ nhắc đến khi được hỏi. Chính sự rối loạn và mệt mỏi đó khiến bố mẹ mong muốn có thể luyện cho con tự ngủ. Nếu con có thể tự ngủ, ngủ đúng giờ giấc, ngủ đủ thời gian… bố mẹ và gia đình sẽ giảm thiểu được sự rối loạn về nhịp sống, giảm được mệt mỏi vì mất ngủ, giảm được sự căng thẳng vì không phải lo lắng khi nghe con khóc quấy, gắt ngủ. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, con được luyện tự ngủ sẽ là cách rèn cho con tính độc lập, không dựa dẫm bố mẹ.
Các phương pháp luyện ngủ phổ biến hiện nay là gì?
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp luyện ngủ khác nhau với nhiều tên gọi riêng biệt. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Việc áp dụng phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào kênh thông tin mà bố mẹ tiếp cận, ý muốn của bố mẹ và gia đình, thời gian, nếp sinh hoạt của gia đình… Các phương pháp luyện ngủ phổ biến hiện nay có thể kể đến như:
-
Phương pháp Cry-it-out
-
Phương pháp 4s-5s
-
Phương pháp Pick up- Pick down
-
Phương pháp CIO
Các phương pháp này tuy có sự khác nhau về cách thức thực hiện. Tuy nhiên, về cơ bản, điểm chung là sẽ tiến hành hướng dẫn cho bé các cách thức tự trấn an bản thân, nhận biết môi trường dành cho giấc ngủ. Từ đó, bé có thể tự ngủ mà không cần ai bồng bế, vỗ về hay ru ngủ.
Vì bài viết này chỉ tập trung bàn luận về việc có nên luyện ngủ cho bé không, nên mình sẽ không đi sâu vào phân tích các phương pháp này mà chỉ liệt kê tên một số phương pháp phổ biến. Nếu muốn tìm hiểu về từng phương pháp, bố mẹ có thể chủ động tìm hiểu trên các đầu trang tìm kiếm như Google, Wikipedia, Bing…, đọc các sách hướng dẫn luyện ngủ cho trẻ hoặc tham gia các hội nhóm online lẫn offline về luyện ngủ cho con để biết thêm cụ thể hơn.
Mình nghĩ gì về giấc ngủ của con?
Mình hiểu rằng, đối với mọi em bé, giấc ngủ là vô cùng quan trọng. Trẻ sơ sinh sẽ cần ngủ khoảng 18h-20h mỗi ngày. Càng lớn, thời gian ngủ sẽ càng ngắn lại, giảm các giấc ngủ ngắn, tăng dần các giấc ngủ sâu. Trong khi ngủ, cơ thể trẻ sẽ được phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ. Do đó, việc đảm bảo con ngủ đủ là việc vô cùng quan trọng trong quá trình chăm sóc bé.
Đối với hầu hết người Việt Nam, chúng ta thường có suy nghĩ rằng: “Đứa bé nào mà chẳng khóc đêm.” hay là “Có đứa sẽ khóc dạ đề 3 tháng 10 ngày” và chấp nhận việc con khóc suốt đêm, gắt ngủ, ngủ không tròn giấc, khóc thét trước khi vào giấc ngủ mà không hề có biện pháp xử lý nào ngoài việc bồng bế, rung lắc, ru hời ru hỡi cho con ngủ. Mình không đồng tình với suy nghĩ và cách xử lý này. Mặc dù, mình biết rằng, vì nhiều lí do, mà có em bé sẽ rất ngoan từ khi sinh ra, bé có thể điều chỉnh giấc ngủ tốt, ngủ ngon giấc, ít quấy khóc. Ngược lại, có bé sẽ rất gắt gỏng, khó chịu, buồn ngủ đến mệt lả nhưng vẫn khóc và không ngủ được…
Tuy nhiên, trong quan điểm của mình, việc phó mặc giấc ngủ của con cho bản năng của con không phải là phương pháp tích cực. Mình cũng cảm thấy rất khó chịu với hình ảnh các mẹ mặt nhăn mày nhó vỗ lấy vỗ để, rung lắc nhiệt tình hay bồng bế đi khắp nhà để dỗ con ngủ trong khi con vẫn cứ khóc ngằn ngặt. Hay mình xót xa với hình ảnh một người mẹ mất ngủ mắt trũng sâu, nằm ngủ gục bên nôi, bên giường con sau khi hai mẹ con đã vật lộn với nhau để ngủ.
Tóm lại, theo suy nghĩ của mình, cha mẹ cần có những phương hướng trong việc kiểm soát giấc ngủ của trẻ và cần giữ cho nếp sinh hoạt của mình không bị rối tung theo con,bởi tâm trạng của mẹ sau sinh rất nhạy cảm, nếu mẹ mệt mỏi trong việc cho bé ngủ sẽ rất dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh, gây hệ lụy rất lớn.
Mình có lựa chọn luyện ngủ cho con không? Tại sao?
Mặc dù nghĩ rằng cha mẹ cần có phương thức để kiểm soát và đảm bảo cho giấc ngủ của con. Song, mình không lựa chọn bất kỳ hình thức luyện ngủ nào cho con.
Lý do mình không luyện ngủ cho con là bởi, sau khi tìm hiểu về các phương pháp luyện ngủ cũng như tham khảo các bậc phụ huynh đã luyện ngủ cho con, mình nhận ra rằng, bất kỳ hình thức nào cũng là một công thức định sẵn, và nó sẽ can thiệp trực tiếp vào giấc ngủ- một hành động vốn rất bản năng của con người hay bất cứ sinh vật nào.
Ngoài ra, theo mình, mỗi em bé có một kênh phát triển riêng biệt và không nên áp dụng bất kỳ một công thức nào lên một em bé mà đến nhận thức cũng chưa hoàn thiện. Đối với mình, luyện ngủ cho con là một hình thức khiên cưỡng, áp đặt mà bản thân con chưa nhận thức được, phải tiếp nhận hoàn toàn thụ động.
Mình thừa nhận rằng, nếu luyện ngủ cho con thành công, bạn sẽ có một đứa con “thiên thần”, biết tự ngủ, tự thức dậy mà không khóc đòi, không gắt gỏng; cha mẹ sẽ có thời gian thoải mái hơn để chăm chút cho bản thân. Thời gian sinh hoạt của gia đình cũng sẽ ít bị xáo trộn nếu luyện ngủ cho bé thành công.
Thậm chí, mình đã từng thấy rất nhiều cha mẹ ví dụ về thành công của việc luyện ngủ cho con như: Con ngủ một mạch từ 7h tối đến 6h sáng, ba mẹ thoải mái đi xem phim, đi cà phê, gặp gỡ bạn bè… mà không bị con quấy rầy, không phải căng thẳng giỗ con ngủ rồi lo sợ con lại tỉnh giấc khóc đòi… Như vậy, hẳn là một đứa bé được luyện ngủ thành công sẽ giúp cho bố mẹ chúng nhàn nhã hơn hắn.
Tuy nhiên, với những ưu điểm như trên, mình vẫn không lựa chọn việc luyện ngủ cho con. Khi mang thai và nghĩ về việc chăm sóc con cái, mình cũng có thời gian nhớ lại về bản thân mình ngày trước. Và có thể bạn không tin, nhưng mình cho rằng, bản thân mình vẫn nhớ rõ những âm điệu lời ru của bà, của mẹ, mình vẫn nhớ và vô cùng yêu thích cảm giác được ôm ấp vỗ về. Thừa nhận đi nào, cho dù đã là người lớn, khi bạn buồn, khóc, bạn vẫn muốn được dựa vào ai đó, được ai đó trao cái ôm cho mình, có phải không? Vậy thì, có lý nào, chúng ta lại thẳng thừng cắt đứt sự vỗ về, âu yếm dành cho trẻ.
Nhiều cha mẹ nói với mình rằng, họ vẫn có thể ôm ấp con khi họ muốn, khi chơi đùa cùng con, khi con thức giấc và tỉnh táo. Họ vẫn có thể hát cho nghe khi chơi cùng con… Thế nhưng, những điều họ nói rằng họ vẫn làm đó, nó diễn ra khi con đang thức, đang tỉnh táo vui vẻ. Còn khi con buồn ngủ, khi thể chất của con cần một giấc ngủ, khi con chới với tìm cách ngủ, thì con lại không được tận hưởng những hành động âu yếm đó. Nhiều bậc cha mẹ nói với mình rằng, họ không hề để con một mình, họ vẫn dõi theo con ở một góc nào đó, vẫn chúc bé ngủ ngon trước khi rời đi, vẫn quan sát con qua camera… Nhưng, khi họ dõi theo con, đứa bé không được nhận thấy rằng cha mẹ đang ở bên dõi theo chúng, cha mẹ chúc bé ngủ ngon trong khi bé vẫn chưa thể hiểu được những lời nói cha mẹ nói với mình. Dĩ nhiên, mình đồng ý rằng, bé có thể cảm nhận sự yêu thương của cha mẹ qua giọng nói. Tuy nhiên, với một em bé, chỉ giọng nói của ba mẹ có lẽ chưa đủ để trấn an khi bé cảm thấy lo lắng, sợ hãi.
Việc bé sợ hãi , bất an hay khó chịu có thể thấy qua việc các bé khóc khi tỉnh giấc giữa chừng hoặc khóc khi chưa ngủ được. Lúc này, cha mẹ nên ở bên cạnh ôm con vào lòng và vỗ về trấn an con thay vì chỉ đi vào vỗ vài cái, con nín lại đi ra. Mình từng đọc một bài báo về một người mẹ kể về đứa con của họ. Người mẹ này đã áp dụng cho con trai cả ngủ riêng từ nhỏ, theo phương pháp luyện ngủ. Và đứa con trai thứ hai cũng được luyện ngủ như vậy.
Tuy nhiên, một ngày nọ, đứa con trai nhỏ vừa khóc vừa nói với cô ấy, rằng bé muốn được ngủ cùng mẹ. Thấy con nhất quyết đòi ngủ cùng, cô hỏi lý do và được nghe câu trả lời rằng, thằng bé sợ bóng tối, sợ tỉnh giấc một mình mà không thấy ai bên cạnh.
Người mẹ này sau khi nghe con nói như vậy, suy nghĩ bắt con ngủ riêng lập tức thay đổi. Bạn có nhận ra điều gì không? Đứa bé sau này đã được ngủ cùng mẹ. Nhưng suốt những năm tháng bé xíu, khi bé còn chưa biết nói, bé đã phải chống choi với nỗi sợ một mình mà mẹ bé không hề hay biết. Hãy thử tưởng tượng, chỉ vì muốn bản thân an nhàn một chút, muốn con có thể tự ngủ để bố mẹ làm việc của mình, muốn bé học cách tự lập…mà con đã phải trải qua nỗi sợ không cách nào nói ra như thế nào. Như vậy, liệu luyện ngủ cho con từ khi sơ sinh có thật sự là việc nhất định bố mẹ phải thực hiện hay không?
Về ý kiến cho rằng đây là cách để con học sự tự lập. Mình cho răng thời điểm trước 1 tuổi vẫn còn khá sớm để dạy trẻ tự lập. Lúc này, trẻ vẫn chỉ là một em bé sơ sinh. Trước 6 tháng tuổi, bé được gọi là newborn. Bé hoàn toàn lạ lẫm với thế giới và hoàn toàn chưa đủ khả năng nhận thức về sự tự lập. Chính vì vậy, nếu để con khóc đến khi ngủ thiếp đi, khóc nhưng không được bế hoặc chỉ bế lên đặt xuống như máy, mình cho rằng sẽ có khả năng khiến con bị chai sạn cảm xúc.
Con không còn khóc không phải vì con hết sợ hãi, không phải vì con đã biết tự lập mà nếu như, con không khóc vì con biết mình chẳng thể trông đợi sự ôm ấp vỗ về, xoa dịu từ cha mẹ, chẳng thể thay đổi được tình trạng của mình. Có lẽ, con đã cảm thấy hụt hẫng và chai sạn cảm xúc ít nhiều. Và bạn hãy thử nghĩ xem, con chưa biết nói, ngôn ngữ của con phần lớn thể hiện qua tiếng khóc. Nhưng giờ ngay cả ngôn ngữ duy nhất con có được cũng không thể giao tiếp được với cha mẹ khi con cần. Vậy con sẽ cảm thấy thế nào?
Ngoài ra, việc luyện ngủ cho con trong điều kiện các gia đình Việt Nam hiện nay cũng chưa thật sự phù hợp. Bởi sự mâu thuẫn trong chăm nuôi trẻ giữa cha mẹ, ông bà vẫn thường xuyên xảy ra. Nếu không có sự đồng thuận tuyệt đối của gia đình thì việc luyện ngủ cho con ít nhiều sẽ gây ra sự căng thẳng trong bầu không khí gia đình.
Mặt khác, luyện ngủ cho con thực sự hiệu quả và không ảnh hưởng về mặt tâm sinh lý của trẻ là khi cha mẹ hiểu thấu đáo và khoa học về cách luyện ngủ. Tuy nhiên, cha mẹ Việt hiện nay phần đông vẫn chưa có cách tiếp cận đúng với các phương pháp luyện ngủ, hoặc tiếp cận hời hợt, hoặc chưa hiểu rõ đã áp vào con…sẽ gây hệ lụy khôn lường.
Về phần mình, mình muốn con được an tâm khi vào giấc ngủ nên vẫn chọn cách ôm bé, vỗ về bé (không bế rong), vẫn hát ru bé khi thích hợp và vẫn để con được ngủ cùng giường với mình ở một khoảng cách an toàn cho cả hai mẹ con. Chính vì vậy, mình không lựa chọn luyện ngủ cho con.
Đây là ý kiến của cá nhân mình về vấn đề luyện ngủ cho con. Ở một bài viết khác, mình sẽ chia sẻ cùng mọi người về việc mình đã xử lý ra sao đối với giấc ngủ của con mà không sử dụng các phương pháp luyện ngủ.